Phân của trẻ sơ sinh: Màu sắc, hình thái và điều cần lưu ý
Phân của trẻ sơ sinh có màu xanh có phải bình thường? Mẹ có biết phân trẻ sơ sinh có nhiều hình dạng và độ đặc sệt khác nhau. Dựa vào hình thái bên ngoài, sẽ “đọc vị” được dấu hiệu cảnh báo sức khỏe của con. Dưới đây, Tovita sẽ khái quát lại để mẹ có thêm cái nhìn tổng thể về Phân của trẻ sơ sinh: Màu sắc, hình thái và điều cần lưu ý
Đặc điểm phân của trẻ sơ sinh
Tần suất đi ngoài
Từng trẻ riêng biệt, ứng với mỗi giai đoạn phát triển và chế độ dinh dưỡng khác nhau sẽ có số lần đi tiêu trong ngày khác nhau. Những trẻ bú sữa mẹ thường sẽ đi ngoài nhiều lần hơn trẻ bú sữa ngoài. Tần suất đi ngoài bình thường ở trẻ nhỏ dao động từ 7 lần 1 ngày cho đến 1 lần trong 7 ngày, với điều kiện phân của trẻ vẫn mềm và không đau khi đi ngoài.
Số lượng phân của trẻ sơ sinh
Giống với tần suất, số lượng phân của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mỗi lần đi ngoài cũng rất khác nhau. Trẻ sơ sinh vài ngày tuổi có lượng phân tỷ lệ thuận với lượng sữa trẻ nạp vào cơ thể. Tuy nhiên nhiều mẹ vẫn lo lắng vì mặc dù bổ sung nhiều sữa nhưng số lượng phân của trẻ lại không tương xứng. Lúc này cha mẹ chỉ cần quan tâm đến mức độ tăng trưởng của con. Nếu bé vẫn phát triển tốt, không gặp rắc rối nào và bụng không to lên quá nhiều sau bú sữa thì vấn đề đi ngoài của con vẫn diễn ra bình thường.
Màu sắc phân của trẻ
Trẻ sơ sinh vài ngày tuổi chủ yếu đi tiêu phân su, có đặc điểm màu đen, sệt, dính và được tạo ra khi bé hấp thu các chất dinh dưỡng khi còn trong bụng mẹ. Sau giai đoạn đầu, phân của trẻ sơ sinh chuyển thành màu khác nhau như xanh, nâu sẫm hoặc vàng.
Một số màu sắc phân bất thường cha mẹ cần lưu ý là phân màu đỏ, đen và trắng xám và cần đưa bé đến gặp bác sĩ ngay lập tức. Trong quá trình phát triển, màu sắc phân của trẻ sẽ thay đổi khác nhau ứng với từng giai đoạn, như màu phân của trẻ ăn dặm sẽ khác biệt so với khi trẻ bú mẹ hoàn toàn.
Kết cấu phân của trẻ
Giai đoạn đầu đi tiêu phân su, phân của trẻ sơ sinh có độ sệt dính nhất định. Sau đó, kết cấu phân của trẻ bú mẹ hoàn toàn thường mềm hơn trẻ bú sữa công thức. Một số trường hợp phân của trẻ sơ sinh có các hạt nhỏ nhưng việc này hoàn toàn bình thường và bản chất là chất béo không được tiêu hóa hết.
Kết cấu phân của trẻ sẽ thay đổi theo độ tuổi, như phân của trẻ 1 tuổi có thể gần giống với phân người lớn và khác biệt hoàn toàn phân của trẻ sơ sinh.
Nếu kết cấu phân của trẻ lỏng, có nước gợi ý tình trạng trẻ không hấp thu tốt. Xuất hiện chất nhầy là dấu hiệu của nhiễm trùng đường ruột và bé cần gặp bác sĩ để được xử trí kịp thời. Ngoài ra, táo bón là rối loạn tiêu hóa hay gặp với đặc điểm phân của trẻ rất cứng và có biểu hiện đau khi đi ngoài.
Phân trẻ sơ sinh có mùi như thế nào?
Phân của các em bé sơ sinh những ngày đầu rất ít có mùi hôi, tuy nhiên sau một khoảng thời gian, ruột của bé bắt đầu hình thành nên hệ vi khuẩn, dần dần phân của trẻ sơ sinh sẽ trở nên hôi hơn.
Biểu hiện của trẻ sơ sinh mỗi khi đi đại tiện
Hầu hết các em bé sơ sinh không có biểu hiện gì hoặc chỉ hơi nhăn mặt/đỏ mặt lúc đi đại tiện. Tuy nhiên khi trẻ khóc to mỗi lần đi tiêu rất có khả năng bé bị đau, nếu tình trạng này tiếp diễn phụ huynh cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ.
Giải mã màu phân của trẻ sơ sinh
Dựa vào màu sắc của phân, người ta có thể nhận biết tình trạng sức khỏe của bé. Cụ thể:
Phân xanh đen
Đây là màu của phân su. Màu phân này hết sức bình thường và không có gì lo ngại. Nếu phân có màu đen, trắng, đất sét hoặc lẫn máu, nhầy mẹ cần gọi điện cho các bác sĩ nhi khoa
Phân trẻ màu vàng
Trong những tuần đầu sau sinh, trẻ bú sữa mẹ sẽ đi ngoài khoảng 3-4 lần. Phân lỏng, có màu vàng mù tạt, thậm chí xuất hiện hạt nhỏ phía trên
Phân màu xanh
Với trẻ bú sữa công thức, việc phân có màu xanh lục là điều bình thường. Bởi vì đôi khi chất sắt trong sữa chưa kịp tiêu hóa. Tuy nhiên, nếu trẻ đi phân màu xanh kèm theo quấy khóc, khó chịu thì rất có thể con đã dị ứng với đạm sữa bò.
Với trẻ bú mẹ hoàn toàn việc đi phân có màu xanh, đôi khi kèm bọt cho thấy con đã ăn nhiều sữa đầu và thiếu sữa sau. Phân có nhầy xanh đôi khi còn là dấu hiệu cho thấy đường ruột của bé kích thích hoặc bị tiêu chảy
Phân có màu trắng
Dù bé đang ăn sữa mẹ hay là sữa ngoài, việc đi phân có màu trắng hoặc xám đều khá nguy hiểm. Bởi đây có thể là dấu hiệu của bệnh gan. Vì vậy hãy đưa con đến bệnh viện ngay khi thấy dấu hiệu này
Phân có màu cam
Nếu bé bắt đầu ăn dặm, phân có màu cam có thể là do thực phẩm như cà rốt, khoai lang. Tuy nhiên, nếu bé vẫn đang ăn dặm hoàn toàn bằng sữa của mẹ thì rất có thể là do thực đơn hàng ngày có màu nhân tạo hoặc mẹ đang dùng loại thuốc nào đó. Theo các chuyên gia, phân của trẻ sơ sinh có màu cam không phải tình trạng lo ngại. Nhưng để yên tâm thì mẹ có thể đưa bé đến viện kiểm tra
Phân có màu đỏ
Nếu bé bú mẹ hoàn toàn thì việc đi ngoài phân đỏ cũng không phải vấn đề lớn. Có thể con đã nuốt máu từ các vết nứt ở núm vú hoặc do nứt kẽ hậu môn. Nếu bé ăn dặm, thì mẹ cần phải kiểm tra lại các thực phẩm có màu mà con đã ăn. Tuy nhiên, dù là trong trường hợp nào, nếu phân thực sự có máu đỏ tươi, xuất hiện nhiều lần thì đây có thể là các dấu hiệu cảnh báo con bị nhiễm trùng hoặc dị ứng thực phẩm
Dấu hiệu bất thường ở phân của trẻ sơ sinh
Ngoài những dấu hiệu bình thường kể trên thì trong một số trường hợp mẹ còn thấy phân của bé có điểm đáng ngờ. Lúc này mẹ cần cân nhắc, đưa con đến gặp bác sĩ kịp thời
Phân trẻ sơ sinh bị tiêu chảy
Bố mẹ có thể nhận biết tình trạng tiêu chảy ở trẻ sơ sinh, dựa vào những đặc điểm sau:
- Phân có kết cấu lỏng hơn bình thường
- Tần suất đi ngoài nhiều
- Phân trào ra khỏi tã lót
- Xuất hiện máu ở trong phân
Nếu nuôi con bằng sữa của mẹ thì bé sẽ ít bị tiêu chảy hơn. Bởi theo chuyên gia, sữa mẹ có chứa kháng thể, giúp ngăn chặn các vi khuẩn phát triển. Trong khi đó, trẻ bú sữa công thức thường dễ lây nhiễm mầm bệnh qua đường tiêu hóa vì vậy nguy cơ tiêu chảy cũng sẽ cao hơn.
Nguyên nhân
- Nhiễm trùng
- Phản ứng với thuốc
- Nhạy cảm quá mức hoặc dị ứng với một loại thức ăn
- Phản ứng với sữa công thức
Ngoài ra, ở trẻ lớn tháng tiêu chảy cũng là biểu hiện của bệnh táo bón nặng. Phân tươi rò rỉ qua phần phân cứng bị mắc kẹt tại hậu môn. Tình trạng này thường sẽ biến mất sau 24h mà không cần phải điều trị. Tuy nhiên, nếu bệnh trở nặng trẻ đi phân lỏng nhiều hơn 6 lần/ ngày thì cần đưa con đi khám. Tránh bị mất nước, đe dọa tính mạng.
Phân của trẻ sơ sinh bị táo bón
Khi bị táo bón, trẻ sẽ đỏ mặt, căng thẳng và rặn hết sức. Đây thực ra là một hiện tượng khá phổ biến ở trẻ sinh mà mẹ có thể nhận biết dựa các dấu hiệu như:
- Trẻ gặp khó khăn khi đi đại tiện
- Phân nhỏ, ráo đôi khi lại lớn và cứng hơn so với bình thường
- Bụng bé luôn căng
- Xuất hiện máu trong phân có thể là do hậu môn chảy máu vì con cố rặn thải phân ra ngoài
Trẻ sơ sinh bú mẹ thường ít táo hơn bé dùng sữa ngoài. Bởi vì sữa mẹ có chứa tất cả thành phần dinh dưỡng giúp làm mềm phân để con đi tiêu dễ dàng.
Ngoài ra trẻ bị táo bón còn có thể do các nguyên nhân như:
- Sốt
- Mất nước
- Thực đơn thay đổi
- Tác dụng phụ của một số thuốc
Thậm chí, một vài trường hợp trẻ bị táo bón còn là bởi vì nhịn tiêu. Để làm dịu hơn tình trạng táo bón mẹ nên cho con dùng thêm điện giải, bổ sung thực phẩm chứa nhiều chất xơ hoặc massage bụng cho bé. Trường hợp táo bón kéo dài mẹ nên đưa con đến gặp bác sĩ để tìm nguyên nhân và cách điều trị kịp thời.
Phân sống ở trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh đi ngoài phân sống là tình trạng thức ăn chưa được tiêu hóa bị lẫn vào phân và thải ra ngoài. Việc trẻ sơ sinh đi ngoài phân sống khiến cho không ít cha mẹ lo lắng. Nhưng tin vui là điều này không có gì đáng nguy hiểm.
Bởi trong giai đoạn tập ăn, trẻ có thể đi ngoài nhiều lần trong khi thức ăn ở trong ruột già chưa kịp tiêu hóa dẫn đến hiện tượng phân lẫn thức ăn. Sau một thời gian, khi bé biết ngồi bô và ít đi ngoài thì ruột già, vi khuẩn có lợi và men tiêu hóa sẽ đủ thời gian tiêu hóa thức ăn, giúp con cải thiện.
Tuy nhiên, trong vài trường hợp, tình trạng đi ngoài phân sống có thể là dấu hiệu xấu, cảnh báo cho mẹ biết rằng hệ thống tiêu hóa của con đang có vấn đề. Một trong đó là hội chứng ruột kích thích, không dung nạp thức ăn, dị ứng, nhiễm khuẩn hoặc bị nhiễm bệnh Celiac.
Những căn bệnh này khiến hệ tiêu hóa của con yếu ớt, không thể xử lý thức ăn. Vì vậy nếu trẻ sơ sinh đi ngoài phân sống kèm theo dấu hiệu lờ đờ, đau bụng, chậm phát triển thì mẹ cần đưa con đến bệnh viện kiểm tra.
Mẹ nên làm gì để trẻ đi phân tốt?
Tùy vào nhu cầu dinh dưỡng cũng như sinh lý của con mà mẹ có thể áp dụng biện pháp dưới đây để việc đi ngoài của bé diễn ra thuận lợi
- Cho bé bú sữa mẹ đúng cách
- Tìm loại sữa công thức phù hợp với con
- Theo dõi tình trạng đi ngoài của trẻ thường xuyên
- Khử trùng sạch sẽ dụng cụ pha sữa
- Rửa tay sạch sẽ trước khi cho bé ăn
- Đảm bảo vệ sinh thực phẩm cũng như nguồn nước pha sữa cho bé
Phân của trẻ sơ sinh có thể cho mẹ biết được tình trạng sức khỏe của con. Vì vậy, giai đoạn đầu đời mẹ nên chú ý quan sát đến yếu tố này. Nếu thấy dấu hiệu bất thường về mặt hình thái cũng như màu sắc của phân thì hãy đưa con đến gặp bác sĩ.